Trà sữa là một thức uống rất phổ biến ở nước ta hiện nay, đặc biệt là với các bạn trẻ, thế hệ gen Y và gen Z. Từ khi trà sữa bắt đầu xuất hiện, nó đã trở thành một cơn sốt, trào lưu, xu hướng với thị phần ngày càng mở rộng và trở thành văn hóa mới trong xã hội Việt Nam. Một loạt các thương hiệu lớn nhỏ nối đuôi nhau xuất hiện và gia nhập vào thị trường trà sữa Việt Nam. Gần 2 năm sống chung với đại dịch covid 19 – thị trường trà sữa Việt Nam vấp phải nhiều sóng gió.
Thị trường trà sữa ở Việt Nam: là trào lưu hay xu hướng?
Trà sữa bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ khoảng 10 năm trước, nhưng nó thực sự bùng nổ và “hot” trong khoảng từ năm 2013 đến nay. Trà sữa có độ nhận diện khá cao. Theo một số nghiên cứu khảo sát thị trường, có khoảng 73% người nhận khảo sát nhận diện được trà sữa, phân biệt được loại thức uống này với các đồ uống khác trên thị trường. Đặc biệt là nhóm nữ thuộc thế hệ gen Y và gen Z ở các khu vực trung tâm, thành phố, trong độ tuổi từ 18 đến 39 tuổi. Theo nghiên cứu thị trường, 91% người được hỏi đã từng uống trà sữa, và trong đó đối tượng trẻ chiếm 95%, đây cũng là tập khách hàng tiềm năng của thị trường này. Không những vậy, tần suất uống trà sữa của nhóm khách hàng này khá cao, trong thời điểm bình ổn xã hội không có dịch bệnh, khủng hoảng, những người có độ tuổi từ 15 đến 21 tuổi có tần suất uống trà sữa 2-3 lần/tuần chiếm 24%, những người trung niên từ 30 đến 38 tuổi có tần suất uống trà sữa 2-3 lần/tuần chiếm 19%. Điều đặc biệt ở đây là, với nhóm khách hàng trung niên, nhóm khách khó tiếp nhận các mới, tỉ lệ sử dụng và nhận diện sản phẩm này chiếm tỉ lệ cao so với các mặt hàng mới nổi khác. Theo đà đó, các thương hiệu trà sữa xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng và phong phú về cả mẫu mã, hương vị, loại sản phẩm, hình thức, một số thương hiệu đã khẳng định được tên tuổi và có chỗ đứng khá vững chắc như: Dingtea, Gongcha, Phúc Long, Bobapop,… Có thể nói, 2016-2017 là năm để các thương hiệu cà phê, trà sữa khẳng định tên tuổi và vị thế của mình trên thị trường.
Sự “bão hòa” không hẹn trước của thị trường trà sữa
Trào lưu nào rồi cũng sẽ đến giai đoạn bão hòa. Rất nhiều người hoài nghi rằng, thị trường trà sữa sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng, giống như các trào lưu, xu hướng khác, “sớm nở tối tàn”. Khi thị trường xuất hiện quá nhiều thương hiệu mới, với cả mức giá thấp, trung bình và cao, những thương hiệu không đủ sức cạnh tranh, không tạo được ấn tượng, phong cách và hương vị riêng của mình sẽ thụt lùi phía sau. Nhưng đồng thời, các thương hiệu lớn vẫn đứng vững, không bùng nổ như khoảng thời gian trước, mà hướng tới sự ổn định, phát triển sâu hơn, khắt khe hơn về chất lượng và sự khác biệt. Để tăng sức cạnh tranh, các thương hiệu đã làm mới và phong phú menu của mình, sáng tạo thêm nhiều thức uống biến tấu như trà sữa kem cheese, trà sữa nướng, sữa tươi trân châu đường đen,… , hay thậm chí là sự đa dạng của các loại topping như bên cạnh topping truyền thống: trân châu đen, trân châu trắng còn có các loại topping khác như trân châu hoàng kim, pudding, trân châu long nhãn, thạch trái cây, thạch phô mai, sương sáo,… Trong giai đoạn thị trường trà sữa có xu hướng dần bão hòa, đây lại là cơ hội mở rộng cho những người giỏi bắt kịp xu hướng, là cơ hội để các thương hiệu lớn nhỏ tìm ra được lối đi cho mình.
Thị trường trà sữa Việt Nam dưới tác động kinh khủng của Covid-19
Trong khi năm 2018, 2019 có thể coi là thời kì “hoàng kim” của trà sữa, thì đến cuối 2019, đầu năm 2020, khi xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, thị trường trà sữa cũng có nhiều biến động. So với thời kỳ đỉnh điểm của thị trường trà sữa, có tốc độ tăng trưởng lên đến 200%, thì mức độ tăng trưởng của loại thức uống này trong năm 2020-2021 chỉ duy trì ở mức tăng trưởng tự nhiên 5,7%/năm. Có nghĩa là tốc độ tăng trưởng chỉ còn ¼. Những “con phố trà sữa” như ở Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, … đã xuất hiện nhiều mặt bằng bị bỏ trống. Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã phải đóng của các cửa hàng chi nhánh. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế và xã hội. Nhất là tác động của những đợt dịch bùng mạnh, xuất hiện nhiều ổ dịch và giãn cách xã hội khiến sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Nếu như trước đây, nhiều người sẵn sàng chi trả 50.000đ đến 90.000đ để uống các mặt hàng trà sữa cao cấp, thì hiện nay, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và hạn chế sử dụng các sản phẩm không thiết yếu như trà sữa. Dù trà sữa vẫn là thức uống yêu thích của giới trẻ, nhưng thời kỳ kinh tế khó khăn đã biến trà sữa trở thành mặt hàng có phần “xa xỉ”, không thể sử dụng với tần suất lớn như trước nữa. Đây quả thực là giai đoạn khó khăn, khiến các doanh nghiệp phải “đau đầu” suy nghĩ các biện pháp xử lý.
Lối đi nào cho các doanh nghiệp để giảm bớt sự thiệt hại trước mùa dịch?
Trong giai đoạn nào của thị trường cũng luôn có những cơ hội, nhưng không dễ dàng tìm ra và biến nó thành của mình. Vậy trong giai đoạn thị trường trà sữa gặp khó khăn, có lối đi nào dành cho các doanh nghiệp? Đây có thể chính là thời gian vàng để doanh nghiệp sáng tạo, điều chỉnh thương hiệu của mình, nghiên cứu sản phẩm mới hay xu thế xã hội trong thời gian tới. Nhiều thương hiệu vẫn thu được lợi nhuận ổn định từ hình thức bán take away, sáng tạo thêm một số sản phẩm mới đi kèm với sản phẩm truyền thống, phù hợp với mức giá và nhu cầu người tiêu dùng hiện nay. Một số thương hiệu đã sản xuất đóng gói set nguyên liệu hay thức uống đóng hộp, làm sẵn để tiêu thụ trên thị trường bán hàng online, giúp người mua ghi nhớ hương vị đặc trưng của hãng và tạo độ phủ của tên tuổi. Mỗi phương pháp sẽ phù hợp với đặc điểm từng thương hiệu và từng thời kỳ, sáng tạo luôn là bước đi đúng đắn và có hy vọng trong các thời kỳ trì trệ của mỗi thị trường. Cơ hội luôn đến với mọi người, nhưng rất ít người nắm bắt được cơ hội đó. Đây là giai đoạn khó khăn mà hầu như thị trường nào cũng sẽ gặp phải và trải qua, không chỉ riêng thị trường trà sữa Việt Nam. Có hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới đã không trụ lại được trước mùa dịch covid. Hy vọng một ngày không xa chúng ta có thể bình thường hóa xã hội, đẩy lùi đại dịch và khắc phục được những hậu quả to lớn do covid đã để lại.
Thị trường Trà sữa Việt Nam sẽ bão hòa nếu các chủ đầu tư mới vào ngành không có sáng tạo, không có đổi mới mà cứ đi y nguyên theo cách làm của các cửa hàng đã đi trước. Cần nhiều đột phá hơn từ cách marketing thu hút khách hàng, phục vụ, trang trí, chế biến đồ uống…nếu không muốn bị thụt lùi trên thị trường. Các nhà đầu tư đi sau cũng nên cân nhắc kỹ nên phát triển thương thương hiệu riêng hay làm nhượng quyền và những điểm khác biệt, thế mạnh của chính mình để đủ sức đứng vững trước những bão tố trong ngành.